Kinh nghiệm phỏng vấn VEF

Disclaimer: Bài viết dưới đây dựa trên kinh nghiệm cá nhân khi tham gia chuẩn bị và phỏng vấn VEF. Bài viết có thể có một số điểm tương đồng với bài viết của Thắng (MSE – UCB)Kiên (CS – Poly) vì chúng tôi có nhiều đoạn giao nhau trên suốt chặng đường.

  1. Xem kỹ lại hồ sơ, tức là những thông tin đã điền trong application form và những giấy tờ đã nộp cho VEF hôm OEO. Application form sau đó sẽ được VEF chuyển tới các giáo sư, và họ sẽ dùng chính những thông tin viết trong đó để đặt câu hỏi. Vì vậy nên đọc kỹ để tìm ra những điểm nổi bật. Các giáo sư thường không có nhiều thời gian đọc và nghiên cứu hồ sơ của bạn, nên sẽ tập trung vào những điểm này. Mặt khác, lỡ có sơ ý viết gì không hay trong đó thì cũng phải tìm cách nói giảm, nói tránh khi bị hỏi.

  2. Tranh thủ ôn tập để nâng điểm TOEFL/GRE nếu thấp quá. VEF thường phỏng vấn vào đầu tháng 8, nhưng đến giữa tháng 9 mới có kết quả. Nếu như đợi đến lúc có kết quả VEF rồi mới tập trung nâng điểm TOEFL và GRE thì quá muộn, và cũng không còn thời gian để chuẩn bị hồ sơ, viết SOP, xin bảng điểm và các giấy tờ khác.

  3. Tìm những người cùng chí hướng để chuẩn bị theo nhóm. Làm một mình sẽ dẫn đến việc quá dễ dãi với bản thân, cho rằng mình giỏi, chuẩn bị như thế là đủ. Học nhóm có cái lợi là sẽ nhìn thấy ưu nhược điểm của mình một cách khách quan hơn, và cũng là để xem mình đang đứng ở đâu. Tham gia các buổi mock interview là một việc rất nên làm. Việc này giúp bạn làm quen với không khí và các câu hỏi có thể diễn ra trong buổi phỏng vấn. Danh sách các câu hỏi chuẩn bị có thể xem ở đây. Ngoài ra, nếu sắp xếp được thời gian và tiền bạc thì nên tham gia lớp chuẩn bị cho phỏng vấn VEF của Oxford tổ chức, do 2 thầy Craig (giám đốc) và Rom (phó giám đốc) trực tiếp giảng dạy. Khóa học này chuẩn bị khá nhiều kỹ năng như làm đẹp hồ sơ, contact giáo sư, cách trả lời một số câu hỏi thường gặp.

  4. Review lại những kiến thức đã học, hoặc những công việc đã làm. Nếu bạn là sinh viên năm cuối, chưa có kinh nghiệm research, các giáo sư sẽ hỏi về các kiến thức background hoặc bắt bạn trình bày về một thuật toán nào đó. Nếu là sinh viên vừa tốt nghiệp, đồ án tốt nghiệp lại sẽ là thứ được hỏi nhiều nhất. Còn nếu bạn đã ra trường, làm việc cho một công ty hoặc một viện nghiên cứu nào đó thì các giáo sư sẽ hỏi về chính những công việc bạn đang làm. Dù gì thì cũng nên dành thời gian review lại, xem trong những việc bạn đã hoặc đang làm có điểm gì đáng chú ý, có vấn đề nghiên cứu nào thú vị thì đào sâu vào đó để trả lời phỏng vấn.

  5. Kỹ năng dùng bảng Điều này bạn nào nếu tham gia lớp Oxford thì sẽ được dạy. Việc này thường phải tập chứ không tự nhiên mà có, vì từ trước đến giờ, các giáo viên ở tất cả các cấp học (tiểu học, THCS, THPT, đại học, …) thường toàn quay mông về phía học sinh, viết hết bảng rồi mới quay lại nói. Bạn sẽ phải học cách xoay người về phía các giáo sư trong khi tay vẫn đang viết, và viết đến đâu nói đến đó thay vì để các giáo sư ngồi nhìn và đợi cho đến khi bạn viết xong.

  6. Kỹ năng trình bày Thông thường mỗi năm sẽ có 12 giáo sư từ các chuyên ngành khác sau sang phỏng vấn, và rất có thể bạn sẽ bị một giáo sư trái ngành (ví dụ EE phỏng vấn CS) phỏng vấn. Giáo sư này thường sẽ hỏi những câu hỏi rất cơ bản, và cũng đề nghị bạn trả lời theo một cách mà người ngoài ngành cũng có thể hiểu được. Nhiều khi chúng ta toàn tập trung vào các vấn đề nghiên cứu quá cao siêu mà quên đi những lý thuyết căn bản, đến lúc bị hỏi sẽ không thể nào xoay sở kịp.

  7. Trang phục. Không cần phải nói nhiều: Sơ mi quần âu giày đen caravat đối với nam, váy dài quá đầu gối hoặc sơ mi quần dài, giày không để lộ ngón chân đối với nữ. Nếu có đồng hồ thì nên đeo, nhưng chỉ nên đeo. Trong khi phỏng vấn tuyệt đối không nhìn.

Trên đây là những kinh nghiệm chung cho chuẩn bị và phỏng vấn VEF. Bài viết sau sẽ tường thuật lại những gì diễn ra ngay trước, trong và sau khi phỏng vấn. Good luck to all!