Kepler-452b và Lược sử thời gian

Hôm qua NASA công bố tìm ra một hành tinh gần giống với trái đất, chỉ tiếc là cách trái đất những 1400 năm ánh sáng. Nhân lúc tôi đang đọc cuốn Lược sử thời gian (A Brief History of Time) của Stephen Hawking, dưới đây là một số nhận xét và tính toán của tôi.

  1. Làm thế nào NASA tìm thấy Kepler-452b?

Câu trả lời đơn giản là nhìn lên trời. Nếu nhìn đủ lâu và nhìn đúng chỗ thì kiểu gì chúng ta cũng tìm ra. Tất nhiên là không phải nhìn bằng mắt thường rồi. Kepler-452b được phát hiện bởi kính thiên văn Kepler, được phóng lên quỹ đạo trái đất vào năm 2009. Tại sao không sử dụng kính thiên văn dưới mặt đất? Có nhiều lý do, nhưng đơn giản nhất là khí quyển của trái đất và sự tự quay quanh chính nó có thể làm sai lệch các kết quả đo đạc. Kính thiên văn Kepler quay xung quanh mặt trời chứ không phải là trái đất.

Ánh sáng từ Kepler-452b mất 1400 năm mới đến được trái đất, nghĩa là ánh sáng mà chúng ta nhận được là hình ảnh của Kepler-452b của 1400 năm trước. Nói hình ảnh cho nó oai chứ thực ra cũng chỉ là một chùm sáng. Nhờ phân tích quang phổ của chùm sáng này mà các nhà thiên văn học có thể tính toán được khối lượng, kích thước, nhiệt độ và có thể là thành phần hoá học nữa.

  1. Làm thế nào NASA phân biệt được các ngôi sao với nhau?

Trái đất quay xung quanh mặt trời. Mặt trời cũng chuyển động trong ngân hà Milky Way. Tuy nhiên với những ngôi sao ở rất xa thì vị trí tương đối của chúng đối với nhau không thay đổi. Từ thế kỷ 15, các nhà thiên văn học tiên phong đã xác định được hàng trăm (có thể là hàng nghìn) ngôi sao khác nhau.

  1. Làm thế nào để đến được Kepler-452b

Khoan nói tới chuyện đến đấy, với công nghệ của khoa học hiện đại thì chỉ cần gửi một “tin nhắn” đến đấy cũng đã mất 1400 năm. Chờ người ta gửi lại mất thêm 1400 năm nữa. Đấy là chưa kể đến việc người ta không hiểu mình nói cái gì, hoặc mình không hiểu người ta nói cái gì.

Đi đến Kepler-452b là một vấn đề nan giải hơn nhiều. Kể cả là tàu vũ trụ có thể bay với tốc độ ánh sáng thì cũng phải mất 1400 năm. Tuy rằng những người trên tàu vũ trụ sẽ cảm thấy thời gian chậm hơn nhiều lần và trẻ lâu hơn, thì những người ở dưới trái đất cũng phải đợi 1400 năm để tàu vũ trụ đến nơi, và thêm 1400 năm nữa để tàu vũ trụ quay trở lại.

Thứ gần như duy nhất có thể giúp chúng ta đến được đấy nhanh hơn là wormhole, nhưng chưa ai chứng minh được sự tồn tại của nó. Tuy vậy, vũ trụ bao la và không có gì là không thể.